Hiện nay việc người dân hay sinh viên đi thuê nhà là điều rất phổ biến ở các thành phố lớn, tuy nhiên không phải ai quan tâm và thực hiện đúng các quy định về đăng ký tạm trú tại địa phương mình đang thuê trọ.
Có thể bạn không biết, không phải chỉ mình người thuê trọ cần đăng ký tạm trú, chủ trọ cũng cần đăng ký tạm trú cho người thuê trọ nếu không muốn bị phạt theo quy định của pháp luật, tuy nhiên nhiều chủ trọ không biết quy trình và thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ diễn ra như thế nào và ở đâu? Tất cả sẽ có ngay trong bài viết sau đây hãy đọc để biết thêm các thông tin về thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ.
Đăng ký tạm trú tạm vắng là gì?
Đăng ký tạm trú tạm vắng là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này đồng ý đồng thời cấp sổ tạm trú. Công dân có trách nhiệm phải đăng ký tạm trú với cơ quan nhà nước về nơi công dân đang sinh sống ngoài nơi đã đăng ký thường trú
Cả người thuê và người cho thuê nhà đều có nghĩa vụ đăng ký tạm trú, luật không quy định bắt buộc bên nào phải làm việc này, tuy nhiên nếu không thực hiện đăng ký tạm trú tạm vắng thì cả hai bên người cho thuê và người đi thuê nhà đều có thể bị phạt theo quy định của pháp luật.
Nếu không đăng ký tạm trú sẽ bị phạt như thế nào
Cụ thể theo a khoản 1 điều 8 của nghị định 167/2013/NĐ-CP thì các cá nhân hay hộ gia đình nào không thực hiện đúng theo các quy định về đăng ký tạm trú tạm vắng sẽ bị phạt với số tiền từ 100.000 đến 300.000vnđ.
Đối với người cho thuê nhà sẽ bị phạt nặng hơn ở mức từ 1.000.000 đến 2.000.000 vnđ nếu không thực hiện thông báo lưu trú với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật theo điểm đ, khoản 2, điều 8 của nghị định 167/2013/NĐ-CP
Ngoài ra nếu có các hành vi tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hay các giấy tờ khác liên quan đến cư trú sẽ bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 vnđ.
Phạt từ 2.000.000 – 4.000.000 vnđ nếu có các hành vi khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ khi đăng ký thường trú, tạm trú.
Cá nhân tổ chức hay những người cho thuê nên chủ động đăng ký tạm trú để tránh bị phạt cũng như ảnh hưởng đến công việc và học tập.
Thủ tục đăng ký tạm trú cho người ở trọ
Các giấy tờ cần chuẩn bị
Người đi đăng ký tạm trú cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây trước khi đi đăng ký
- Bản khai nhân khẩu
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu theo mẫu HK01
- Giấy chứng nhận chỗ ở hợp pháp, trong trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy này
- Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp có thể là một trong các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất hay sở hữu nhà
- Giấy phép xây dựng
- Hợp đồng mua bán nhà ở hay giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà
- Hợp đồng mua nhà ở hay giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi hoặc nhận thừa kế nhà
- Giấy tờ về trao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết hay cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân…vv
Ngoài ra còn nhiêu loại giấy tờ khác có thể chứng minh chỗ ở hợp pháp theo theo nghị định 31/2014/NĐ-CP.
Quy trình đăng ký tạm trú cho người ở trọ
Bước 1: Công dân hay chủ trọ mang hồ sơ đến nộp tại công an xã, phường hoặc thị trấn nơi tạm trú, cán bộ có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ và đối chiếu hồ sơ với các quy định của pháp luật.
Bước 2: Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người nhận hồ sơ sẽ viết giấy biên nhận trao cho người nộp. Trong trường hợp hồ sơ thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ.
Nếu như hồ sơ đăng ký tạm trú không đủ điều kiện và không được tiếp nhận thì người nhận hồ sơ sẽ trả lời bằng văn bản cho công dân, lí do không được tiếp nhận sẽ được nêu rõ trong văn bản này.
Bước 3: Trong trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì người đi đăng ký tạm trú chỉ cần nộp lệ phí và chờ nhận sổ. Nếu hồ sơ không hợp lệ người nhận hồ sơ sẽ trả lại hồ sơ đăng ký tạm trú cho người nộp để họ bổ sung thêm những giấy tờ còn thiếu.
Lưu ý:
- Thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ là 03 ngày kể từ ngày nộp đủ các giấy tờ cần thiết
- Khi nhận sổ tạm trú cần kiểm tra lại các thông tin trong sổ đã chính xác chưa
- Sổ tạm trú được cấp có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân trong thời hạn tối đa là 24 tháng. Trước khi sổ tạm trú hết hạn 30 ngày công dân cần đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn.
Việc đăng ký tạm trú tạm vắng sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý công dân tốt hơn đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, việc nắm rõ thủ tục đăng ký tạm trú tạm cho người ở trọ là điều vô cùng quan trọng đối với các chủ trọ nếu không muốn bị phạt theo quy định của pháp luật.